Chế độ dinh dưỡng là biện pháp chính, không thể thiếu được trong phòng ngừa bệnh gút cho các đối tượng có tăng acid uric máu đơn thuần.  

Bệnh gút được coi là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purine ở người, làm tăng nồng độ acid uric trong máu (quá 7 – 8mg/dL) và khả năng bài xuất giảm đi dẫn đến ứ đọng tinh thể muối urat ở khớp gây viêm khớp, ở thận gây viêm thận kẽ, sỏi thận… Bệnh thường gặp ở nam giới tuổi 40 trở lên, thường có những đợt kịch phát, tái phát.

Bệnh gút do nồng độ axít uric trong máu tăng quá cao, lắng đọng thành các tinh thể sắc nhọn hình kim tại các khớp, gây viêm sưng khớp, cảm giác đau nhức dữ dội.

Người bệnh gút rất cần một chế độ ăn uống hợp lý nhằm giúp kiểm soát bệnh gút và các bệnh kèm theo dễ hơn. Đồng thời, giúp giảm bớt liều thuốc phải dùng, giảm bớt hậu quả xấu của bệnh.

Nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với người bệnh gút: tổng số calo/ngày khoảng 1.600kcal, trong đó chất bột đường: 65 – 70%, chất đạm: 12 – 15%, chất béo: 18 – 20%.

Những thức ăn, đồ uống có lợi cho bệnh nhân gút

Thức ăn:

- Các loại ngũ cốc: gạo, bún tươi, phở, khoai củ, nui…

- Trái cây: dưa hấu, lê, táo, nho… chứa nhiều nước, sinh tố và hầu như không có nhân purine, rất tốt cho bệnh nhân gút.

- Các loại rau củ giàu chất xơ như cải, bắp cải, khoai tây, dưa leo, củ sắn… giúp làm giảm quá trình hấp thu đạm, giảm thoái hóa biến đạm, giảm sự hình thành acid uric và hầu như không có nhân purine.

Đồ uống:

- Sữa: giàu đạm, nhiều nước nhưng chứa rất ít nhân purine – thích hợp cho bệnh nhân gút cấp tính và mạn tính.

- Nên uống nhiều nước (tối thiểu 2 – 3 lít/ngày).

- Nên uống nước khoáng không ga có độ kiềm cao (như soda) giúp tăng đào thải acid uric, hạn chế sự kết tinh urat tại ống thận giảm nguy cơ sỏi thận.

Người bị bệnh gút nên ăn nhiều rau củ quả giàu chất xơ như: dưa leo, rau cần tây, cải xanh, cải bắp, khoai tây, bí đỏ, dưa hấu…
Hạn chế ăn măng tây, nấm, cải bó xôi (rau bina, rau chân vịt) do có nhiều nhân purine.

Những thức ăn, đồ uống không có lợi

Thức ăn:

Kiêng tuyệt đối những thực phẩm giàu đạm có gốc purine như:

- Hải sản, các loại thịt có màu đỏ: thịt trâu, bò, dê…

- Phủ tạng động vật: lưỡi, lòng, tim, gan, thận, óc…

- Các loại trứng phát triển thành phôi như trứng vịt lộn.

Giảm bớt những thực phẩm giàu đạm khác như:

- Đạm động vật: thịt heo, thịt gà, thịt vịt…

- Cá và các loại hải sản: lươn, cua, ốc, ếch…

- Đạm thực vật như các loại đậu, tuy nhiên cần lưu ý các chế phẩm từ đậu nành: đậu phụ, sữa đậu nành… ít làm tăng acid uric hơn các loại đậu chưa chế biến.

Giảm các thực phẩm giàu chất béo no: mỡ, da, phủ tạng động vật, thức ăn chiên, quay, mì gói, thức ăn nhanh.

Kiêng tất cả các loại thực phẩm như: nấm, măng, bạc hà, giá đỗ… làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể.

Đồ uống:

Tuyệt đối không uống một dạng chất cồn nào: rượu, bia… vì làm giảm bài tiết acid uric qua thận. Hạn chế đồ uống có ga, trà, cà phê.

Giảm các đồ uống chua và giàu vitamin C: nước cam, nước chanh… vì làm tăng nguy cơ kết tinh urat ở thận, tăng nguy cơ sỏi thận.

Người bị bệnh gút cần kiêng các loại thực phẩm giàu nhân purine như: phủ tạng động vật, thịt đỏ, hải sản, rượu bia.
Nên uống nhiều nước (2-3 lít/ngày), nước rau, nước khoáng có bicarbonate, nước sắc lá sakê

BS.CKII. NGUYỄN VIẾT QUỲNH THƯ

 

Người bệnh cần lưu ý

- Trong cơn đau: tuyệt đối để khớp nằm nghỉ ngơi. Ngoài cơn đau: cần có chế độ lao động và sinh hoạt thích hợp.

- Vận động nhẹ nhàng, vừa sức, thường xuyên. Tránh làm việc nặng, quá sức hoặc luyện tập thể thao với cường độ mạnh.

- Giữ ấm cơ thể, tránh để lạnh, tránh dầm mưa lạnh.

- Ngâm chân nước nóng mỗi tối nhưng không dùng nước quá nóng, không nên ngâm lúc đang bị viêm cấp.

- Giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh căng thẳng.

- Cần giảm cân, tránh béo phì.

 Nguồn: suckhoedoisong.vn