Vitamin K có vai trò quan trọng cho sức khỏe con người. Nhiều trường hợp bệnh được bác sĩ chỉ định dùng vitamin này.

Vitamin K và vai trò của nó

Vitamin K thuộc nhóm vitamin tan trong dầu (gồm có vitamin A, D, E, K), được chia làm 3 dạng chính:

Vitamin K1 (Phylloquinon, phytonadion, phytonacton) có nhiều trong các loại rau xanh (bông cải, rau diếp…), đậu nành, thịt, trứng, cá…

Vitamin K và những chỉ định điều trị

Vitamin K2 (Menaquinon) được tạo ra từ các loại vi khuẩn sinh sống trong ruột.

Vitamin K3 (Menadion) là dạng vitamin K tổng hợp.

Vitamin K1 và vitamin K2 có nguồn gốc thiên nhiên và không có độc tính.

Vitamin K3 được tổng hợp ra và có độc tính.

Vitamin K có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như:

Vitamin K đóng vai trò chủ yếu trong quá trình đông máu: vitamin K là một thành phần quan trọng của hệ enzyme gan, tổng hợp ra các yếu tố đông máu như prothrombin (yếu tố II), yếu tố VII, IX, X và các protein C, protein S. Vì vậy, vitamin K còn được gọi là vitamin đông máu.

Vitamin K giúp ngăn ngừa loãng xương: vitamin K giúp tăng cường sự gắn kết canxi vào khung xương, làm tăng mật độ xương giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa loãng xương.

Vitamin K và những chỉ định điều trị

Vitamin K ngăn chặn quá trình xơ hóa động mạch: vitamin K ngăn chặn sự vôi hóa (calcification) ở động mạch làm xơ hóa động mạch, giúp bảo vệ tim mạch.

Vitamin K ngăn ngừa sỏi thận: vitamin K ngăn chặn sự tích tụ canxi ở thận nên giúp ngăn ngừa sỏi thận.

Vitamin K từ thực phẩm và từ các vi khuẩn sinh sống ở ruột tạo ra, là nguồn cung cấp chủ yếu cho nhu cầu vitamin K của cơ thể.

Nhu cầu vitamin K

Nhu cầu hàng ngày của vitamin K:

Trẻ sơ sinh:

0 - 6 tháng: 2 microgam (mcg)/ngày.

7 - 12 tháng: 2,5mcg/ngày.

Trẻ em:

1 - 3 tuổi: 30mcg/ngày.

4 - 8 tuổi: 55mcg/ngày.

9 - 13 tuổi: 60mcg/ngày.

Thanh thiếu niên và người lớn:

14 - 18 tuổi: 75mcg/ngày.

> 19 tuổi: 90mcg/ngày.

Những chỉ định điều trị của vitamin K

Các chế phẩm vitamin K thường được trình bày ở dạng thuốc viên, thuốc tiêm và được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:

- Phòng ngừa và điều trị các trường hợp xuất huyết.

- Giảm prothrombin - huyết.

Bổ sung vitamin K cho cơ thể khi sử dụng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài (kháng sinh sẽ tiêu diệt các vi khuẩn sinh sống ở ruột có nhiệm vụ tổng hợp ra vitamin K).

Người mắc bệnh ở đường tiêu hóa (viêm ruột, xơ gan, tắc mật…) không hấp thu vitamin K.

Phòng ngừa sự thiếu vitamin K ở trẻ mới sinh (do các vi khuẩn ở ruột chưa tổng hợp ra vitamin K).

AloBacsi.vn
Theo DS. Mai Xuân Dũng - Sức khỏe và Đời sống